Thủ phủ Hoàng gia Mã Lai thuở xưa tại Singapore
Địa danh của khu vực nổi tiếng và cổ kính này có thể bắt nguồn từ cây Gelam trước kia được trồng rất nhiều ở đây. Năm 1822, vùng đất ở Kampong Glam chính thức được giao cho người Malay và những người Hồi Giáo, nơi đây cũng còn là chốn định cư của cộng đồng thương gia Ả Rập tuy ít nhưng lại rất thành đạt. Năm 1989, Cơ quan Phát triển Đô thị (Urban Development Authority) đã công nhận Kampong Glam là khu vực bảo tồn và ngày nay, hầu hết các kiến trúc cổ đều được phục chế và trùng tu.
Là một khu vực phong phú về di sản và văn hóa, thời gian thích hợp nhất để đến thăm nơi đây là tháng ăn chay Ramadan. Vào thời gian này, bạn sẽ cảm nhận được không khí lễ hội vui tươi vì ở các khu vực xung quanh sẽ tràn ngập các hội chợ ẩm thực và hội chợ đường phố, cũng như những buổi biểu diễn văn hóa.
Bắt đầu con đường tham quan bộ hành Kampong Glam ở Trung tâm Di sản Mã Lai (còn gọi là Taman Warisan Melayu) tại số 85 đường Sultan Gate – nơi từng là Cung điện Istana Kampong Glam hay Cung điện Sultan. Năm 2005, Quỹ Di sản Mã Lai đã triển khai thành công một dự án trùng tu. Trong dự án có cả Bảo tàng Di sản Mã Lai – một cơ sở bảo tàng có mục đích bảo tồn và trưng bày các di sản văn hóa của người Mã Lai – Singapore bằng các hiện vật và hệ thống sa bàn. Trong khuôn viên của Trung tâm Di sản Mã Lai, bạn có thể thấy các cây Gelam (còn gọi là cây malaleuca), một loại cây mà vỏ của chúng từng được sử dụng để đóng tàu thuyền.
Trong chuyến tham quan này, bạn không thể bỏ qua mái vòm dát vàng tráng lệ của Đền thờ Sultan được đặt trên một đai tròn làm bằng đáy chai thủy tinh. Tọa lạc trên phố Muscat, Đền thờ Sultan là di tích nổi bật nhất ở Kampong Glam và đã từng là một di tích quốc gia được công nhận vào năm 1975.
Rời đền thờ Hồi giáo, bạn sẽ bước vào khu phố dành cho người đi bộ – đường Bussorah. Con đường này mang đậm nét Ả Rập. Hầu hết các mặt hàng buôn bán ở đây đều phục vụ cho các nhu cầu tôn giáo của cộng đồng Hồi giáo. Trước đây, phố này nổi tiếng với nghề làm dép xăng-đan, chế tác đồ đồng và đồ thau. Ngày nay, con phố này là không gian kết hợp các cửa hàng cũ và mới bán khăn choàng, móc khóa và quạt giấy, cùng với bản sao các hiện vật Mã Lai như đồ chơi dân gian, con quay. Từ phố Muscat (phía trước đền thờ), hãy rẽ sang khu phố Ả rập và khám phá các cửa hàng nước hoa, quán ăn độc đáo và các cửa hàng dệt truyền thống.
Cuối cùng, hãy kết thúc hành trình của bạn tại đường Haji Lane với các tiệm buôn đã được các nhà thiết kế địa phương và các doanh nhân thổi vào một làn sinh khí mới nhờ công tác phục chế và các cửa hiệu may chuyên bán đồ thời trang mới mọc lên tại đây.
Leave a Reply